BÀI 16: TIÊU HÓA Ở ĐỘNG VẬT ( TIẾP THEO)

V. ĐẶC ĐIỂM TIÊU HÓA Ở THÚ ĂN THỊT VÀ ĂN TẠP

1. Ở KHOANG MIỆNG

Răng (tiêu hóa cơ học): gồm

  • Răng cửa (gặm và lấy thịt ra khỏi xương).
  • Răng nanh (nhọn, sắc giúp cắm và giữ mồi).
  • Răng trước hàm (có nhiều mấu sắc).
  • Răng hàm (có nhiều mấu chắc khỏe, cắt thịt thành những mảnh nhỏ).

* Động vật ăn tạprăng nanh và răng trước hàm KHÔNG sắc nhọn bằng động vật ăn thịt.

Tuyến nước bọt: tiết enzim giúp tiêu hóa 1 phần thức ăn. (Tiêu hóa hóa học)

2. Ở DẠ DÀY VÀ RUỘT

Dạ dày đơn là nơi chứa và biến đổi thức ăn về mặt cơ học (nhờ những lớp cơ dày ở thành dạ dày) và hóa học (nhờ các tuyến vị có trong niêm mạc) đối với các thức ăn prôtêin dưới tác dụng của HCl và pepsin trong dịch vị.

Ruột: tiếp nhận thức ăn đã được biến đổi ở dạ dày và tiếp tục tiêu hóa dưới tác dụng của dịch tụy, dịch mật và dịch ruột thành những chất dinh dưỡng như axit amin, glixêrin-axit béo, các monosaccarit và các nuclêôtit để hấp thụ vào máu và bạch huyết.

* Ruột của động vật ăn thịt thường ngắn vì thức ăn mềm, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu.

* Động vật ăn tạp có ruột dài hơn.

3. SỰ HẤP THỤ CÁC CHẤT DINH DƯỠNG

Sự hấp thụ chất dinh dưỡng diễn ra ở bề mặt ruột

Bề mặt hấp thụ của ruột tăng lên rất nhiều nhờ các nếp gấp của niêm mạc ruột, trên đó có các lông ruột và các lông cực nhỏ nằm trên đỉnh của các tế bào lông ruột.

=> Tạo điều kiện hấp thụ hết các chất dinh dưỡng.

Cơ chế hấp thụ: một số chất hấp thụ theo cơ chế thụ động (khuếch tán): glixêrin, axit béo, một số vitamin tan trong dầu.

Phần lớn các chất hấp thụ theo cơ chế chủ động: glucôzơ, axit amin,…

Các chất hấp thụ được vận chuyển theo đường máu (đi qua gan) và đường bạch huyết trở về tim để phân phối tới các tế bào.

Lý thuyết Tiêu hóa ở động vật (tiếp theo) | Lý thuyết Sinh 11 bài 16

VI. ĐẶC ĐIỂM TIÊU HÓA Ở THÚ ĂN THỰC VẬT

 Thức ăn: thành phần chính là xenlulôzơ, thành phần prôtêinlipit ít.

1. BIẾN ĐỔI CƠ HỌC

Diễn ra ở khoang miệng và dạ dày.

Răng có bề mặt nghiền rộng và nhiều nếp men răng cứng, gồm:

    • Răng cửa và răng nanh: giống nhau, giúp giữ và giật cỏ, hàm trên là tấm sừng giúp răng hàm dưới tì vào để giữ cỏ.
    • Răng trước hàmrăng hàm có nhiều gờ cứng giúp nghiền nát cỏ.

Ở lớp chim có dạ dày cơ (mề): dày, chắc và khỏe để nghiền thức ăn.

* Ở động vật nhai lại (trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai,…): lúc ăn chỉ nhai sơ qua rồi nuốt vào dạ cỏ, tranh thủ lấy được nhiều thức ăn; khi nghỉ ngơi, chúng "ợ lên" nhai kĩ lại.

* Ở động vật có dạ dày đơn (ngựa, động vật gặm nhấm như chuột): nhai kĩ hơn ở lần nhai đầu của động vật nhai lại.

* Chim ăn hạt và gia cầm: không có răng nên mổ hạt và nuốt ngay vào diều, trong diều không có enzim tiêu hóa mà chỉ có dịch nhày để làm trơn và mềm thức ăn.

2. BIẾN ĐỔI HÓA HỌC VÀ BIẾN ĐỔI SINH HỌC

a. Ở động vật nhai lại

Dạ dày có 4 ngăn: dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế.

    • Thức ăn được thu nhận, nhai sơ qua rồi nuốt vào dạ cỏ (ngăn lớn nhất). Ở đây, thức ăn được nhào trộn với nước bọt, vi sinh vật cộng sinh trong dạ cỏ giúp tiêu hóa xenlulôzơ.
    • Khi dạ cỏ đầy, động vật ngừng ăn và thức ăn từ dạ cỏ chuyển dần sang dạ tổ ong, từng búi thức ăn được "ợ lên" miệng để nhai kĩ lại.
    • Thức ăn sau khi nhai lại được nuốt thẳng xuống dạ lá sách để hấp thụ bớt nước và chuyển sang dạ múi khế.
    • Ở dạ múi khế (dạ dày chính thức): thức ăn cùng với vi sinh vật chịu tác dụng của HCl và enzim trong dịch vị. Chính vi sinh vật là nguồn cung cấp lượng lớn prôtêin cho nhu cầu của cơ thể vật chủ.

 

b. Ở động vật có dạ dày đơn

Thức ăn được tiêu hóa một phần ở dạ dày và ruột như các động vật khác.

Riêng xenlulôzơ trải qua quá trình biến đổi sinh học nhờ vi sinh vật diễn ra chủ yếu ở manh tràng, manh tràng rất phát triển và được xem như dạ dày thứ hai, chứa một lượng lớn vi sinh vật.

 

c. Ở chim ăn hạt và gia cầm

Thức ăn được chuyển từ diều xuống dạ dày tuyến và dạ dày cơ (mề).

Dạ dày tuyến tiết dịch tiêu hóa.

Lớp cơ khỏe và chắc của dạ dày cơ nghiền nát các hạt đã thấm dịch tiêu hóa tiết ra từ dạ dày tuyến.

Thức ăn sẽ biến đổi một phần, sau đó chuyển xuống ruột.

Ở ruột, thức ăn tiếp tục được biến đổi nhờ các enzim có trong các dịch tiêu hóa tiết ra từ tuyến gan, tuyến tụy, tuyến ruột.

Đặc điểm tiêu hóa ở thú ăn thực vật | SGK Sinh lớp 11

Đặc điểm tiêu hóa ở thú ăn thực vật | SGK Sinh lớp 11